Home / Việc làm vui / Hái thuê mùa trái chín

Hái thuê mùa trái chín

Các nhà vườn trồng cây ăn trái nổi tiếng ở TX.Long Khánh, huyện Thống Nhất… những ngày này đang hối hả bước vào vụ thu hoạch. Những vườn chôm chôm chín đỏ và sầu riêng dậy mùi lúc nào cũng có mối lái đến đặt mua. So với những năm trước, đợt này nhà vườn thu hoạch muộn hơn, nhưng cây lại cho năng suất tốt và bán được giá. Không chỉ người trồng mà những người hái quả thuê cũng vui vì tiền công được trả hậu hĩnh.

Không phải ai cũng có thể hái quả thuê được, cả vùng trồng cây ăn trái chỉ có vài người biết trèo cây nên họ phải chạy “sô” cho kịp giao kèo với các chủ vườn.

* Hối hả chạy “sô”

Buổi sáng tại các vườn trồng chôm chôm ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) lúc nào cũng đông người vào ra. Người hái, kẻ đóng gói và thương lái cân mua tập trung dọc hai bên đường ấp khá đông. “Chủ vườn thuê mình không chỉ biết hái mà còn làm cả khâu đóng gói, vận chuyển đến chỗ bán nên mỗi nhóm hái thuê phải có 3-5 người. Hái xong vườn này rồi khẩn trương chạy sang nhà khác cho kịp giao kèo với chủ vườn” – ông Bảnh Thọ (ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) nói.

Tùy vào diện tích vườn cây rộng lớn, nhỏ hẹp mà nhóm 3 người của ông Thọ phân công công việc. Thông thường, 2 người sẽ leo cây hái quả, người còn lại làm nhiệm vụ đóng gói. Công việc khó nhọc hơn bao giờ cũng thuộc về người hái quả. “Bộ đồ nghề” phải mang theo gồm chiếc thang tre (dài khoảng 15m) và cây móc sắt để túm lấy những cành ở xa. Những cây lâu năm, cao và nhiều cành lớn sẽ khiến việc hái quả vất vả hơn.

Ông Đỗ Đức Minh, một chủ vườn sầu riêng ở TX.Long Khánh, chia sẻ: “Nếu không có những người hái thuê trái cây thì nhà vườn rất vất vả khi bước vào vụ thu hoạch. Vài người quanh đây đều biết trèo cây, nhưng để nhận biết trái nào chín hay chưa, chất lượng thế nào thì chỉ có thợ chuyên hái thuê loại trái này mới biết được”.

Ông Thọ cho hay, hái quả thuê cần nhiều kinh nghiệm, sự nhanh nhẹn hơn là sức khỏe. Khi hái, phải biết chọn những quả chín, không được hái nhầm, quả còn non sẽ phải bỏ đi. Vườn cây chôm chôm rộng khoảng hơn 1 hécta, nhóm của ông phải hái trong vòng 4 tiếng. Sau khi thu dọn xong, mọi người nhanh chóng tiếp tục kéo nhau sang vườn khác.

“Thương lái ở đây chỉ thu mua vào buổi sáng khi chôm chôm vẫn còn tươi, nên tôi phải khẩn trương hái quả cho kịp. Nếu hái nhanh, trong buổi sáng chúng tôi chỉ kịp hái cho 2 vườn và 2 ngày sau thì quay lại khi chôm chôm vừa chín đợt mới. Từ 6 giờ sáng, tụi tui đã ra khỏi nhà, làm cật lực cho đến trưa rồi nghỉ. Nếu hôm trước trời mưa lớn, sáng hôm sau trèo cây vất vả lắm, nhưng chắc chắn tiền công bao giờ cũng cao hơn” – ông Hoàng Văn Thắng (ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) chia sẻ.

Theo ông Thắng, khi vườn cây chín rộ, nhà vườn buộc phải thu hoạch khẩn trương để kịp giao cho mối lái, trái cây để lâu chín quá bán sẽ mất giá. Vào lúc đó, nghề hái thuê lại đắt khách, ai cũng dễ dàng kiếm được việc với tiền công khá hậu hĩnh. Vào những ngày này, cả gia đình ông không lo thất nghiệp, liên tục chạy “sô”.

Vợ chồng ông Thắng cùng con trai là trường hợp đặc biệt khi cả nhà đều sống bằng nghề hái quả thuê. Do ít người nên gia đình ông chỉ nhận hái những vườn cây có diện tích nhỏ, rộng chừng 1,5 hécta đổ lại. Nhưng khi các vườn trái cây chín rộ, ông Thắng có thể nhập chung với một số người khác tạo thành nhóm trên 5 người chuyên đi hái thuê. Lúc thì ở Thống Nhất, Trảng Bom khi thì sang Long Khánh, chủ vườn thuê hái cũng có, hái khoán theo yêu cầu của thương lái cũng có.

“Ít người làm nghề này vì nó chỉ có việc thường xuyên trong vòng nửa tháng, khi khắp các vườn cây trái đã bước vào mùa chín rộ, chúng tôi làm cật lực mà không hết việc. Tiền công cũng khá, với mỗi buổi sáng một người được trả công trên 200 ngàn đồng” – ông Thắng nói thêm.

* Khổ luyện để thành thợ hái thuê

Năm nay, ông Tư Dân (ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) bước sang tuổi 54 và đã có tới 30 năm làm nghề hái thuê. Với cỡ tuổi này, những người làm việc dưới đất đã tính đến chuyện nghỉ ngơi nhưng ông vẫn còn hăng say với công việc “đánh đu” khắp các ngọn cây. Ông Tư Dân bảo mình còn rất khỏe và nhờ công việc này nên ông mạnh khỏe như thanh niên trai tráng.

Vào mùa trái cây chín, nhiều chủ vườn trồng sầu riêng ở TX.Long Khánh đều tìm đến ông. Không chỉ trèo giỏi, ông còn có biệt tài nhìn vỏ ngoài sầu riêng là biết khi nào trái chín, chất lượng ra sao. Ông Tư Dân cười khề khà rồi thổ lộ: “Nhắc đến nghề hái quả thuê, ai nấy đều mường tượng để hái những quả sầu riêng gai nhọn chi chít, người hái phải vặn vẹo, leo lên tuột xuống dữ lắm. Nghề này chưa bao giờ được coi là nhẹ nhàng, dễ làm, đôi khi người trèo cây còn đánh cược cả mạng sống của mình”.

Kinh nghiệm nhiều năm nên ông Tư Dân thường khuyên các “đồng nghiệp” phải biết lựa thế để trèo lên cây, chọn cành chắc chắn nhằm tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Một vài cành cao bên ngoài vỏ còn tươi, nhưng bên trong có thể bị mục, nếu trèo lên đó sẽ gặp nạn như chơi. Ngoài ra, lúc đưa trái đã hái xuống cũng phải khéo léo và cẩn thận, không được để trái bị xây xước, gãy cuống như thế “cơm” dễ bị sượng, ăn kém ngon.

Với ông Tư Dân, trèo cây phải cẩn thận, vừa để bảo vệ tính mạng của mình mà chủ vườn còn tin cậy, thuê hái cho đến lúc nào hết mùa thu hoạch. Những người hái quả thuê còn bảo rằng, để trở thành thợ leo cây chuyên nghiệp cần phải khổ luyện, mặc dù không phải ai khổ luyện cũng có thể leo cây giỏi được. Một vài phụ nữ cũng tham gia vào công việc này, họ trèo cây giỏi không hề kém cạnh so với đàn ông.

Hơn chục năm qua, bà Lê Thị Thoa (vợ ông Thắng) cùng chồng được rất nhiều chủ vườn ở huyện Thống Nhất thuê hái trái cây. Trên ngọn cây cao, bà Thoa hết vươn cành này rồi chuyển sang cây khác, nhanh như sóc. Thấy chồng làm nghề hái quả thuê, bà cũng xin theo cho bằng được. Sau 3 năm làm việc, bà trở thành thợ hái quả thuê chuyên nghiệp.

“Hồi đầu, thấy đàn bà con gái trèo cây kỳ cục quá nên tôi cũng ngại. Nhưng làm nghề này mà có cả vợ chồng cùng làm thì đỡ biết mấy. Dù không còn sung sức như thời thanh niên, nhưng chúng tôi luôn được các chủ vườn tin cậy khi cần người hái trái cây. Mình làm ăn cẩn thận, chu đáo thì mùa sau họ mới kêu hái lại, không phải lo tìm chủ vườn mới…” – bà Thoa vui vẻ cho biết.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

CHUYÊN VIÊN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÀM GÌ?

Theo học ngành này, bạn sẽ tiếp cận với các phương pháp trong công tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *