Thực trạng nguồn lao động tri thức trong ngành chăn nuôi hiện nay
Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông – lâm – ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Trong đó, nhóm ngành chăn nuôi thú y dự đoán sẽ thiếu nguồn cung rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực chăn nuôi thú, sức khỏe thú nuôi cung cấp thực phẩm và thú cảnh tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao.
Tại Ngày hội nghề nghiệp chăn nuôi – thú y lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, PGS-TS Võ Thị Trà An cho biết, ngành chăn nuôi chiếm 27% GDP của ngành nông nghiệp, đóng góp 6% GDP của cả nước. Tuy vậy, lực lượng nhân lực trình độ cao trong ngành này hiện vẫn còn thiếu và yếu. Sở dĩ có ít bạn trẻ chọn ngành học này vì họ cũng như gia đình chưa hình dung được học ngành chăn nuôi – thú y ra trường sẽ làm gì, thu nhập khá không, nhu cầu xã hội trong ngành này ít hay nhiều?
TS. Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG chia sẻ thẳng thắn tại Ngày hội việc làm như sau: (TTTĐ) “Chăn nuôi thú y đang là ngành “hot” nhất và được trả lương cao nhất. Chúng tôi tuyển một kế toán, trả lương 6-8 triệu đồng là có được người xuất sắc, trong khi đó tuyển một người học chăn nuôi thú y, trả lương 20 triệu đồng vẫn bị…bấp bênh”.
Nhân lực ít, doanh nghiệp nhiều dẫn đến cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt. Nhà tuyển dụng phải luôn theo sát lịch của từng đợt tốt nghiệp để sắp xếp thời gian đến trường phỏng vấn. Nhiều sinh viên năng động và đã có kinh nghiệm cọ xát thực tế đều có ít nhất 2 công ty mời làm việc và hơn 80% sinh viên có chỗ làm trước khi tốt nghiệp.
Hiện nay, khoảng 50% sinh viên ngành chăn nuôi đã được tuyển dụng trong khi thực tập tốt nghiệp. Chưa tính đến chất lượng, chỉ xét về số lượng sinh viên theo học ngành chăn nuôi – thú y mà trường đại học đào tạo vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Thực trạng cho thấy, nguồn nhân lực ngành chăn nuôi cũng đang cần tới những giải pháp và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả trong thời gian tới.
Học được những gì khi theo học ngành Chăn nuôi Thú y?
Ngành chăn nuôi những năm qua phát triển mạnh theo hướng tập trung, chuyên môn hóa nên cần nhân lực kỹ thuật chuyên nghiệp. Ước tính hiện đang có khoảng hơn 300 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước đang hoạt động. Sự gia tăng số lượng, quy mô của các doanh nghiệp, đặc biệt việc đẩy mạnh hoạt động liên quan đến chăn nuôi, đặc biệt xu hướng sản xuất theo chuỗi khép kín từ thức ăn đến trang trại và thực phẩm đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực.
Học ngành Chăn nuôi, sinh viên được trang bị các kiến thức về quy trình chăn nuôi cho các loài thú nông nghiệp; hiểu biết về di truyền giống, thức ăn dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi đối với các loài thú nông nghiệp; hiểu biết về thị trường chăn nuôi; kiến thức về tiếp thị, giao tiếp; có kiến thức về một số ngành liên quan gần như các bệnh thông thường của thú nuôi, chăn nuôi thú cảnh, nuôi thủy sản, trồng trọt. Có các kỹ năng kỹ thuật phòng thí nghiệm, di truyền giống, thụ tinh nhân tạo và phân tích thức ăn; tự thiết kế, thực hiện thí nghiệm chuyên ngành; thực hiện, chỉ đạo thực hiện các quy trình chăn nuôi…
Về chuyên ngành công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, kỹ sư chăn nuôi chuyên sâu về khoa học dinh dưỡng động vật, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong tổ hợp và sản xuất thức ăn chăn nuôi,. về công tác giống, công tác kỹ thuật nuôi, thiết kế chuồng trại, vệ sinh thú y… góp phần tăng năng suất vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Cơ hội việc làm của lao động trí thức ngành Chăn nuôi Thú y.
Tăng trưởng mạnh về sản xuất đã mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành chăn nuôi. Theo ghi nhận tại các hội chợ việc làm cho chuyên ngành nông nghiệp có đến 80% doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp ngành. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến cũng thường xuyên đăng tải hàng trăm thông tin tuyển dụng kỹ sư ngành chăn nuôi, với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn 5 – 20 triệu/tháng thậm trí các doanh nghiệp nước ngoài như nhật, mỹ, úc lương lên đến 30 – 35 triệu/tháng. Tuy nhiên, dường như nguồn cung nhân lực của ngành vẫn chưa bao giờ đáp ứng đủ.
Do nhu cầu nhân lực lớn, nên các doanh nghiệp thường đặt vấn đề tuyển chọn sinh viên ngay từ khi đang học năm thứ 3 hoặc thứ 4. Có những sinh viên khi còn đang theo học năm 2 năm 3 đại học đã được nhận đi làm tại Israel với lương rất cao.