Home / Việc làm vui / Đắt khách nghề sửa chữa máy nông nghiệp

Đắt khách nghề sửa chữa máy nông nghiệp

Hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó nghề dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp trở nên đắt khách.

Cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp của anh Nguyễn Diễn ở xã Diễn Thái, Diễn Châu khá nhộn nhịp

Xưởng cơ khí chuyên sửa chữa máy móc nông nghiệp của anh Phan Hoằng Tiến ở xóm 1, xã Liên Thành, Yên Thành là một trong những cơ sở lớn nhất các huyện “Diễn, Yên, Quỳnh”. Anh Tiến cho biết: “Xưởng sữa chữa máy của tôi hoạt động hơn 10 năm rồi. Ban đầu chỉ sửa chữa các loại máy nông cụ cho bà con trong xã với quy mô nhỏ. Những năm gần đây, các địa phương tích tụ chuyển đổi ruộng đất, đồng loạt sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp nên các loại máy móc cần sửa chữa, bảo dưỡng tăng lên, anh em công nhân làm không hết việc.”

Theo anh Tiến, bất kể các loại máy móc nông cụ nào sắp đưa vào vận hành như máy cày, mày gặt, máy tuốt… cũng phải đưa đến để bảo dưỡng. Tại đây tôi nhập các thiết bị, phụ tùng máy móc về như bánh lồng, lưỡi cày, nếu cần có thể tư vấn cho khách hàng lắp ngay. Xưởng có nhiều thợ, giá cả hợp lý nên cơ sở của anh Tiến trở thành nơi sửa chữa máy nông cụ cho toàn huyện. 

Bảo dưỡng máy nổ tại cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp của anh Phan Hoằng Tiến

Tại khối 2 thị trấn Yên Thành, cơ sở sửa máy nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Minh được nhiều người biết đến. Khác với các cơ sở khác chỉ sửa chữa phần động cơ máy nổ thì cơ sở của ông Minh lại “đa năng”, vừa sửa chữa động cơ máy nổ, vừa làm gầm, làm số, tiện, nguội làm hơi cho các loại máy cày lớn.

Ông Minh chia sẻ: “Năm 1985, tôi đi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Hà Nội, từ năm 1989 đến nay mở xưởng sửa chữa tại nhà. Do sửa chữa được các loại máy móc “đặc chủng” như máy cày cỡ lớn, máy gặt đập liên hoàn đời mới nên khách hàng biết đến nhiều. Nhiều khách hàng ở tận Hà Tĩnh, Thanh Hóa …mời đến sửa chữa các loại máy cày lớn.”

Địa bàn huyện Diễn Châu có khá nhiều xưởng sửa chữa máy nông nghiệp. Xưởng sửa chữa máy nông nghiệp của anh Nguyễn Diễn ở xã Diễn Thái, Diễn Châu có 43 thợ máy. Anh Diễn cho biết: “Đang là thời điểm nông dân gặt lúa hè thu làm đất cho vụ đông nên máy cày, máy bừa hư hỏng nhiều. Các lỗi chủ yếu máy nổ bị hỏng két nước, mòn bánh răng, hỏng trục, hỏng bơm cao áp…

Mỗi ngày 2 thợ tích cực lắm chỉ sửa được 2-3 máy, vì sửa chữa máy nổ mất rất nhiều công sức, khi đã tháo tung ra là phải lau dầu mỡ, bảo hành bảo dưỡng luôn. Nhiều máy cày, máy bừa hư hỏng ngoài đồng cả ban đêm chúng tôi cũng mang đèn ra sẵn sàng sửa chữa cho nông dân.”

Xưởng sửa chữa chữa máy nông nghiệp của anh Phan Hoằng Tiến ở xóm 1, xã Liên Thành, Yên Thành nhập cả bánh lồng và lưỡi cày để bán cho bà con

Theo anh Diễn, trước đây, phần lớn nông dân khi sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ được đại lý bán máy hướng dẫn qua loa việc vận hành. Chính vì vậy, quá trình sử dụng không tránh khỏi những thao tác sai dẫn đến hỏng hóc hoặc làm cho máy nhanh xuống cấp vì vậy khi sửa chữa máy tôi hướng dẫn thêm cho người dân cách vận hành và bảo dưỡng để tăng độ bền của máy móc.

Ông Trần Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành trao đổi thêm: Trước đây, nhu cầu sửa chữa máy móc nông cụ trên địa bàn huyện còn hạn chế nên từ năm 2007 đến nay Trường mới chỉ mở được 1 lớp học sửa chữa máy nông cụ với chưa đầy 20 học viên. Những năm gần đây do chuyển đổi ruộng đất, bà con đưa nhiều máy cơ giới vào phục vụ nông nghiệp, vì thế, thời gian tới, trường có kế hoạch mở lớp máy động học, gồm sửa chữa ô tô, kết hợp sửa chữa máy nông nghiệp đáp ứng nhu cầu cho bà con trên địa bàn.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

CHUYÊN VIÊN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÀM GÌ?

Theo học ngành này, bạn sẽ tiếp cận với các phương pháp trong công tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *