Home / Việc làm vui / Kỹ sư trồng trọt – Muôn đời thiếu

Kỹ sư trồng trọt – Muôn đời thiếu

Bạn có mơ ước ngày nào đó bạn sẽ: có khả năng cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và đầy đủ cho mọi người? Tham gia bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên đất đai hữu hiệu hơn?

Khám phá phương pháp mới để làm ra lương thực và thức ăn gia súc bổ dưỡng hơn? Đi đầu trong kỹ thuật sử dụng mô hình công nghệ mới nhất, những dữ liệu từ vệ tinh và những tia laser công nghệ cao?

Nếu bạn trả lời “Có” với bất cứ câu hỏi nào trên đây thì trồng trọt (hay còn gọi là nông học) có thể là ngành phù hợp với bạn.

I. Tìm hiểu về ngành trồng trọt:

Trồng trọt là ngành học nghiên cứu về các loại cây trồng và tất cả yếu tố làm gia tăng sự phát triển của chúng như ánh sáng, nước, nhiệt độ và dưỡng chất, cũng như là những điều kiện ngăn cản sự phát triển của cây trồng như cỏ dại, bệnh, côn trùng…

Công việc chính của Kỹ sư trồng trọt

Kỹ sư trồng trọt có kiến thức về: chất lượng môi trường, sinh thái, công nghệ sinh học, sinh lý thực vật, khoa học thảm cỏ, quản lý dịch bệnh, di truyền học, chọn tạo giống cây trồng, sinh học phân tử, khoa học hạt giống, dinh dưỡng, bệnh cây, toán học và xây dựng mô hình, phát triển quốc tế… Với những kiến thức ấy, Kỹ sư trồng trọt nhận dạng, giải thích và quản lý cây trồng để dùng trong nông nghiệp, trong trang trí khu đô thị và đất chăn thả theo phương pháp bền vững môi trường.

Cơ hội nghề nghiệp

Những kỹ sư trồng trọt khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp phong phú và cũng đầy sáng tạo, thách thức. Họ có thể làm việc tại: các công ty giống cây trồng, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Các công ty chăm sóc cây trồng, công ty hoá chất nông nghiệp, các trường Đại học và cao đẳng với công tác nghiên cứu và giảng dạy…Tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực trồng trọt.

Địa chỉ đào tạo trong nước

Bạn có thể học ngành trồng trọt tại các trường: Trường Đại học Nông nghiệp 1, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Nông Lâm v.v…

II. Nhu cầu tuyển dụng và thu nhập của Kỹ sư trồng trọt tại các nước phát triển:

1. Tại Mỹ:

Có rất nhiều loại hình công việc trong ngành trồng trọt với mức lươngkhác nhau phụ thuộc vào trình độ học vấn, loại công việc, nhiệm vụ công việc cụ thể và kỹ năng. Mức lương khởi điểm thường dao động từ$7,5 – $9,0 mỗi giờ. Công nhân có kinh nghiệm thường kiếm được $9,0- $22,0 mỗi giờ. Vị trí quản lý và giám sát có thu nhập là $3.500 -$5.500/tháng. Chủ sở hữu/ người điều hành những doanh nghiệp bảo dưỡng cảnh quan sân vườn (landscape) kiếm được từ $4.500 -$8.500/tháng. Những nhà thầu xây dựng vườn hoa, công viên có tổng thu nhập lên đến $150.000 – $500.000 mỗi năm.

Mặc dù việc làm ở một số lĩnh vực trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm đi trong thời gian qua nhưng ngành trồng trọt vẫn được dự báo tăng trưởng lao động khoảng 16% trong giai đoạn 2008-2018. Sự tăng trưởng này sẽ xuất phát từ sự gia tăng sản xuất lương thực cho dân số đang không ngừng tăng lên. Hiện tại chính phủ Mỹ tạo nhiều cơ hội cho cả sinh viên bậc cử nhân và các sinh viên sau ĐH theo học ngành trồng trọt tại Mỹ. Một số trường có chương trình học bổng, cùng với chương trình thực tập hưởng lương dành cho các bạn du học sinh cũng như khả năng được nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Sau khi học xong các bạn sẽ được ở lại làm việc 1 năm tại Mỹ.

2. Tại Úc:

Kinh tế suy thoái cùng với hiện tượng trái đất ấm lên đe dọa đến an ninh lương thực đã khiến trồng trọt trở lại vị trí được ưa thích ở Úc. Số thanh niên quay trở lại với gốc gác của họ và lập nghiệp trên mảnh đất quê hương ngày càng nhiều. Nhiều trường đại học trên nước Úc có số lượng sinh viên xin học ngành nông nghiệp tăng nhanh chóng, trong khi trước đây kinh doanh và các ngành khoa học khác mới là thời thượng.

Hiện nay, nhu cầu lao động trong ngành trồng trọt ở miền đông nước Úc, đặc biệt là tiểu bang Victoria, đang tăng lên rất cao. Tây Úc cũng là tiểu bang phát triển mạnh về nông nghiệp, cộng đồng người Việt ở đây cũng rất thành công trong lĩnh vực này. Nghề trồng trọt ở Úc rất cực nhọc nhưng thu nhập không phải ít. Thống kê cho thấy, một người không có chuyên môn hay bằng cấp gì có thể kiếm được 58.768 AUD/năm tùy từng vùng và tính chất công việc, trong khi một người có bằng cử nhân có thu nhập cao hơn rất nhiều 85.024 AUD/năm.

Mùa hè ở Úc trái ngược với Bắc bán cầu, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Thời điểm này cũng là lúc thi cử xong, Công việc rất vất vả nhưng thu nhập cũng kha khá, mỗi người có thể kiếm được từ 100 đến 120 AUD/ngày, thậm chí có thể lên tới trên 200 AUD nếu là những “cao thủ”. Số tiền tiết kiệm sau mỗi đợt có thể giúp du học sinh trang trải sinh hoạt phí cả một năm sau.

3. Tại New Zealand:

Là quốc gia láng giềng của Úc, nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề mỏ, năng lượng và đánh cá đã đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của New Zealand. Đặc biệt, chính phủ New Zealand cấp học bổng toàn phần dành cho khu vực ASEAN các chuyên ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thú y, Trồng trọt, An toàn và chất lượng thực phẩm, Kinh tế nông nghiệp, Quản lý kinh doanh nông nghiệp, Công nghệ sinh học, … Học bổng sẽ chi trả chi phí đi lại, toàn bộ học phí học thạc sĩ (hoặc tiến sĩ) tại 8 trường đại học ở New Zealand (tham khảo tại đây) và chi phí sinh hoạt.

Theo website nghề nghiệp Careers.govt.nz thì một sinh viên mới ra trường có mức lương khởi điểm là 45.000-65.000 USD/năm, những người có 5 năm kinh nghiệm có thể kiếm được 60.000-90.000 USD/năm và những người trên 10 năm kinh nghiệm là 80.000-100.000 USD/năm. Mức lương này cao hơn so với mức trung bình tại Anh là 18.000-28.000GBP/năm (tương đương 31.380USD/năm) và tại Canadalà 41.944 USD/năm.

III. Những nhà khoa học Việt thành công trên thế giới:

1. Giáo sư/ Tiến sĩ Tara VanToai – Nữ khoa học gia gốc Mỹ gốc Việt thành công trong cuộc nghiên cứu đổi Gen cho cây Đậu Nành tại Hoa Kỳ:

Cuộc đời của bà Tara VanToai (Tên thật là Trần Kiều Nga) là một hành trình học hỏi và nghiên cứu không ngừng về nông nghiệp. Năm 1966, bà được học bổng Colombo Plan, đi du học New Zealand và là nữ sinh Việt Nam đầu tiên về nông nghiệp. Sau khi sang Mỹ định cư, bà vào Đại học Cornell University ở New York và tốt nghiệp bằng Thạc sĩ nông nghiệp. Sau đó bà tiếp tục học lên Tiến sĩ tại đại học Ohio State University. Ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bà trở thành giáo sư tại đại học Ohio, đặc trách các dự án nghiên cứu nông nghiệp.

Một trong các công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Tara VanToai gần đây được bộ Canh Nông Hoa Kỳ ca ngợi là tạo ảnh hưởng tốt cho kinh tế Hoa Kỳ cũng như tăng năng suất đậu nành trên thế giới đó là việc biến đổi Gen của cây đậu nành Hoa Kỳ. Thành quả trên trở thành căn bản cho kỹ thuật biến đổi Gen của các loại cây nông nghiệp trên thế giới.

2. Tiến sĩ Huỳnh Bảo Lam với công trình nghiên cứu thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp Úc: “Nghiên cứu di truyền nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng của cây lương thực”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên – Khoa Nông Lâm năm 1996 và 7 năm miệt mài nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Cao su, Bảo Lam nhận được học bổng toàn phần vào năm 2003 và lên đường sang Đại học Adelaide để toàn tâm cho việc học tập nâng cao ở bậc Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ. Trong Lễ trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Adelaide, một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng bậc nhất Australia, chỉ có 33 Tiến sĩ, và trong đó lại chỉ có một mình Bảo Lam là người Việt Nam được đứng trên bục vinh danh.

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

CHUYÊN VIÊN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÀM GÌ?

Theo học ngành này, bạn sẽ tiếp cận với các phương pháp trong công tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *