Khách mua cây mai 100 triệu đồng để trưng tết thì phải bỏ ra 10 – 15 triệu đồng cho nhà vườn chăm sau tết, để tết năm sau có mai trưng. Nghe thì thấy tốn kém nhưng thực ra, để chăm sóc mai đến Tết năm sau cho khách mang về chơi không phải là chuyện đơn giản.
Chỉ nhận khách quen
Ngay sau Tết 2019, các vườn mai tại TPHCM lại tấp nập nhận mai về để chăm sóc. Mấy ngày nay, anh Nguyễn Đức Anh – Chủ vườn mai ở quận 12 luôn tất bật từ sáng tới khuya để nhận mai từ khách. Hơn chục công nhân của anh cũng làm việc sáng đêm để chăm sóc những cây mai sau những ngày gia chủ chơi Tết. Do các chủ nhà đều không chăm sóc kỹ khi trưng mai chơi Tết nên công việc chăm sóc bây giờ cũng khá khó khăn.
“Tôi làm nghề chăm sóc mai gần 20 năm nay rồi, cứ đến tháng cuối năm là tập trung tỉa cành, chăm sóc mai để giao cho khách chơi Tết. Sau Tết khoảng từ mùng 10 âm lịch là lại bắt đầu đi đến nhà khách thu mai về để chăm sóc. Do mai khó chăm và ảnh hưởng bởi thời tiết nên không kiểm soát kỹ mai rất dễ hư hỏng và năm sau không cho hoa đẹp”, anh Đức Anh chia sẻ.
Cũng theo chủ vườn mai này, mỗi năm vườn mai của anh nhận chăm khoảng 300 cây mai. Tuỳ theo loại mà giá chăm sóc khoảng 3 triệu – 15 triệu mỗi năm. Những cây mai khủng thì có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
“Việc chăm sóc mai cũng hết sức thận trọng và tỉ mỉ chứ không là đền tiền cho khách mệt nghỉ”, anh nói.
Ông Nguyễn Bình (công nhân chăm mai) cũng cho biết, trung bình giá chăm mai khoảng 10% giá trị cây mai. Tuy vậy, đối với những cây mai lớn và thế độc thì giá sẽ khoảng 15 – 20%. Để chăm sóc mai tốt, mỗi ngày công nhân đều phải tưới nước, chăm sóc phân, tỉa cành và cung cấp các dinh dưỡng sao cho mai luôn khoẻ mạnh.
“Chi phí để chăm sóc mai chúng tôi bỏ ra cũng khá nhiều và tốn nhân công nên việc thu phí khoảng 10 – 20% là không cao. Mặt khác, thời tiết thất thường nên mai cũng rất dễ sâu bệnh, chỉ cần lơ là vài ngày là mai sẽ héo úa ngay”, ông này nói.
Nói kỹ hơn về quá trình chăm cây mai, anh Đức Anh nhấn mạnh: “Đối với những cây có gốc lớn và chu vi gốc trên 1m thì chúng tôi sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt. Những cây này thường là các tập đoàn, các công ty mua với giá hàng trăm triệu đồng nên việc chăm sóc cũng khó hơn nhiều so với các cây thông thường. Những cây loại lớn như thế này, chúng tôi cũng chỉ dám nhận khoảng vài chục cây của khách quen thôi chứ không dám nhận nhiều vì không thể chăm sóc nổi”.
Theo anh Đức Anh, dịch vụ chăm sóc mai sau Tết là công việc khá phổ biến tại TPHCM khoảng 10 năm đổ lại đây. Những cây mai được chủ nhà yêu thích, hay các cây mai lớn mà các công ty mua về chưng Tết nhưng không thể chăm sóc nên tìm đến các dịch vụ trên. Bởi đối với những cây mai quý, hiếm có giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt nên gia chủ phải cầu cứu các vườn mai để có những người thợ lành nghề nhất chăm sóc.
Theo ghi nhận của PV Dân Trí, hiện giá chăm mai năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Điều kiện cho các chủ vườn mai là phải đảm bảo mai luôn khoẻ mạnh và nở hoa rực rỡ vào đúng dịp Tết năm sau cho chủ nhà trưng Tết.
Khó “nuốt”
Dù chăm mai là công việc quen thuộc nhưng các chủ vườn cũng cho rằng không dễ dàng để nhận được tiền của khách. Hiện nay, thời tiết ngày càng biến đổi khó lường chính là nguyên nhân có thể khiến mai chết hoặc ra hoa sớm hay muộn bất cứ lúc nào.
“Nhìn thì nhiều người tưởng dễ ăn nhưng kỳ thực chăm mai rồi mới biết nó cực hơn cả chăm một đứa bé. Sau nhiều ngày chơi Tết các cây mai đều bị “mất sức” trầm trọng nên ngay khi nhận mai về chúng tôi phải đi vào công đoạn phục hồi cấp tốc. Ngoài việc, thay đất, tưới phân, rỉa rễ cây để bung rễ non chúng tôi còn phải làm khá nhiều công đoạn để mai hồi phục. Bình thường không sao, xui một cái mai không hợp đất mới rồi lụi dần là chúng tôi phải đền lại một cây mai khác cho khách. Chi phí nhận chăm một năm có khi chỉ vài triệu nhưng đền một cây mai khác có khi cả vài chục triệu”, ông Tiệp – chuyên gia chăm sóc mai cho hay.
Theo ông Tiệp, so với các loại hoa khác thì mai là khó chăm sóc nhất và tốn nhiều chi phí mua phân vi sinh, hữu cơ. Việc cắt tỉa cành, chồi non, rễ, thế cũng phải tuân theo những trình tự khá phức tạp.
“Tỉa cành mai là công việc bắt buộc sau khi chúng tôi nhận mai từ khách hàng. Nếu không tỉa đúng cách thì năm sau mai ra hoa sẽ rất xấu, thậm chí chết vì thối rế. Khoảng tháng 8 âm lịch lại tiếp tục dùng kẽm về uốn cành để tạo thế thì mai mới đẹp được. Tuy vậy, thời tiết mấy năm nay thay đổi bất thường nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoa nở. Hoa mà không nở là khách không nhận. Lúc này, phải bỏ tiền túi ra mua hoa mới cho khách. Do vậy, các công nhân chăm mai cũng phải tỉ mỉ và theo sát từng cây mai từng ngày một”, ông Tiệp cho biết thêm.
Cũng theo ông Tiệp, hiện khoảng 30 – 40% mai được bán ra sẽ được gửi lại các nhà vườn chăm sóc. Nếu thời tiết thuận tiện thì các nhà vườn chăm mai sau Tết có thể kiếm được vài trăm triệu mỗi năm nhưng nếu hoa không nở hoặc nở không đẹp thì thua lỗ là chuyện đương nhiên.
“Mỗi năm tôi chăm sóc khoảng 150 cây mai sau Tết. Năm thì trừ chi phí đi lời được vài chục triệu, năm thì vài triệu. Chuyện lỗ vốn trong nghề chăm mai xảy ra như cơm bữa. Không vườn mai nào dám khẳng định mình năm nào chăm mai cũng lời cả trăm triệu đâu. Mặt khác, giờ công nhân chăm mai tay nghề cao cũng ít, chỉ cần công nhân không để ý một chút là mai thối rễ chết. Lúc đó, công nhân chịu 1 mà mình chịu 10, thua lỗ là chuyện đương nhiên”.